3+ bài mẫu phân tích bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão đạt điểm cao

Phân tích bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão là một trong những đề văn mà các bạn học sinh có thể gặp trong khi học văn phân tích. Vậy làm sao để có thể phân tích bài thơ Tỏ lòng một cách hay và đầy đủ nhất, hãy cùng Studytienganh tìm hiểu trong bài viết dưới đây. 

 

1. Bài văn phân tích Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão hay

Tỏ lòng – Phạm Ngũ Lão là một trong những bài thơ được viết trong giai đoạn trung đại Việt Nam. Khi đó, chủ nghĩa yêu nước là một nội dung lớn và chạy xuyên suốt văn học giai đoạn này với nhiều tác giả và nhiều bài thơ nổi tiếng, Phạm Ngũ Lão là một trong số tác giả đó. Ông được biết đến là một người văn võ song toàn. Những sáng tác của ông hầu như nói về chí làm trai và lòng yêu nước. Bài thơ Tỏ lòng ra đời sau chiến thắng Mông – Nguyên của quân đội nhà Trần. Thông qua bài thơ, Phạm Ngũ Lão muốn thể hiện được vẻ đẹp và sức mạnh hào hùng của con người và quân đội thời Trần. 

 

Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu

(Múa ngang ngọn giáo trải mấy thu)

 

Hai câu thơ trên nói lên được hình ảnh con người cầm ngang ngọn giáo để bảo vệ quê hương, đất nước. “Múa ngang ngọn giáo” là một hành động rất oai phong, hiên ngang và mạnh mẽ của những người chiến sĩ. Hơn thế, tác giả còn đặt hình ảnh người chiến sĩ trong không gian “giang sơn” rộng lớn của tổ quốc, của núi rừng. 

 

Tam quân tì hổ khí thôn ngưu

(Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu)

“Tam quân” ở đây tác giả muốn nhắc đến là 3 đội quân được nhà Trần xây dựng lên: tiền quân, trung quân và hậu quân. Phạm Ngũ Lão đã so sánh sức mạnh của quân đội nhà Trần với sức mạnh của hổ, báo, một sức mạnh hào hùng có thể “nuốt trôi” cả một con trâu. Đó cũng chính là sức mạnh chiến đấu, là điều mà cả dân tộc tự hào. 

 

Hai câu thơ đầu đã được Phạm Ngũ Lão thể hiện rõ được tư thế hiên ngang, bất khuất và anh dũng của những chiến sĩ thời Trần. Cùng với những hình ảnh so sánh, phóng đại, ông cũng đồng thời thể hiện được sức mạnh mạnh mẽ của quân đội nhà Trần. 

 

Hai câu thơ tiếp theo, Phạm Ngũ Lão muốn thể hiện được nỗi lòng của mình. 

 

Nam nhi vị liễu công danh trái

Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu

 

(Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.)

 

Là một người văn võ song toàn tuy nhiên Phạm Ngũ Lão vẫn cảm thấy mình mắc món nợ “công danh”. Vì với ông, “công danh” như một lý tưởng của một người nam nhi thời bấy giờ, là phải lập công, ghi danh sử sách. Hai chữ “vương nợ” đã khắc sâu thêm nỗi niềm khắc sâu trong lòng của tác giả, ông vẫn tự nhận ra được trách nhiệm của mình với quê hương, với đất nước, với dân tộc. 

 

Không chỉ vậy, chúng ta còn có thể thấy được vẻ đẹp nhân cách của ông thông qua chữ “thẹn” của ông với Vũ Hầu. Vũ Hầu được biết đến là một nhân vật lịch sử có tài năng và lập được nhiều công lớn. Phạm Ngũ Lão so sánh mình với Vũ Hầu và tự cảm thấy thẹn với lòng mình, điều này thể hiện được nhân cách cao đẹp của ông, nó bộc lộ được lý tưởng và hoài bão của tác giả. 

 

Bài thơ “Tỏ lòng” với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, với ngôn ngữ cô đọng, cảm xúc đã thể hiện được hình tượng anh dũng của con người, của quân đội nhà Trần. Thông qua đó, tác giả cũng thể hiện được những nỗi niềm trắc ẩn của mình, từ đó mà chúng ta có thể thấy được vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách của Phạm Ngũ Lão. 

 

Phân tích bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão

Những mẫu văn phân tích bài Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão đáng để tham khảo

 

2. Bài văn phân tích Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão đầy đủ và ấn tượng

Thời đại nhà Trần là thời kỳ vàng son của Hào khí đông A, hào khí ấy đã trở thành một sức mạnh tinh thần to lớn của quân và dân ta trong một thời đại đầy hào hùng máu lửa. Hào khí đông A đã thể hiện được tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm chống giặc của dân tộc. Từ âm vang của thời đại, của hào khí Đông A sóng dậy, Phạm Ngũ Lão đã sáng tác nên bài thơ Tỏ lòng đầy đặc sắc và ý nghĩa:

 

"Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu

Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu"

 

Dịch thơ:

 

“Múa giáo non sông trải mấy thu

Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu”

 

Giặc Nguyên tràn vào xâm lược, chúng tàn ác về nhân tính, hung bạo về nhân hình bởi lực lượng lớn mạnh và sức càn quét đáng sợ. Đối phó với kẻ thù man rợ và nguy hiểm ấy cần có một bản lĩnh gan dạ phi thường. Ở đây, Phạm Ngũ Lão đã thể hiện được tầm vóc của mình và sức mạnh to lớn của quân đội nhà Trần. " hoành sóc giang sơn", giữa giang sơn rộng lớn, người tráng sĩ cầm ngọn giáo giặc trong thế hiên ngang để trấn giữ Tổ quốc mình, ngọn giáo ngang tàng đo chiều dài, chiều rộng đất nước, kẻ quân tử nắm ngọn giáo đứng sừng sững, làm chủ trước dân tộc, trước thời cuộc. Lúc này đây, người quân tử đứng giữa giang san của vũ trụ mà không hề nhỏ bé, trái lại đầy vững chãi, lớn lao, ngọn giáo và người quân tử đang thực hiện sứ mệnh mà dân tộc giao phó trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. "Trải mấy thu" nghĩa là thời gian làm nhiệm vụ ấy đã lâu rồi và đến nay vẫn thế năm này qua năm khác vẫn không đổi dời ý chí, tháng năm không đo được ý chí người quân tử, lòng vẫn nhiệt huyết với công cuộc giữ nước của mình.

 

Câu thơ thứ hai mang cả ý chí quyết đấu của toàn dân tộc. Sự đồng lòng của "tam quân" tạo nên một sức mạnh được ví như hổ báo, chúa sơn lâm của núi rừng, khí thế ngùn ngụt chất cao hơn núi "nuốt trôi trâu". Nếu ở câu thơ thứ nhất là bản lĩnh của một người quân tử, trách nhiệm của một cá nhân với đất nước thì sang câu thơ thứ hai đó là bản lĩnh của một cộng đồng, của trăm vạn người quân tử, trách nhiệm của muôn người với dân tộc. Qua đó, ta thấy được một hào khí của thời đại, của những con người chung chí nguyện chống giặc, dẹp tan quân thù, đem lại hoà bình cho xã tắc, giang san.

 

"Đất nước còn nhiều những thách thức, khó khăn, vật cản trên con đường đấu tranh còn nhiều gian khó, dù đã quyết chí, dù đã vững lòng nhưng tác giả vẫn còn điều gì đó chưa hài lòng khi nghĩ về bản thân. Bởi thế mà những câu thơ được bộc bạch đầy tâm trạng, chứa chan nỗi lòng của người quân tử:

 

"Nam nhi vị liễu công danh trái

Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”

 

Dịch thơ:

 

“Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”

 

Công danh sự nghiệp luôn là khát khao của con người trong bất kỳ thời đại nào. Phạm Ngũ Lão cũng không nằm ngoài nỗi ưu tư về công danh của mình, dù ông đã là một kẻ tài cao, đức trọng, lập báo chiến công chỗ đất nước. Kẻ "nam tử" lúc này đây vẫn thấy mình còn một mối nợ với đất nước, đó là tấm lòng của một bậc đại tài đầy khiêm tốn và trách nhiệm.

 

"Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu"

 

Tác giả mượn điển cố xưa về Vũ Hầu- một kẻ bề tôi trung thành, vị quân sư tài ba bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa. Đó là lòng cảm thấy hổ thẹn, không thể hài lòng về bản thân khi nhắc đến bậc vĩ nhân xưa. Với tác giả, không thể nào chấp nhận một cuộc sống không công danh, một sự tồn tại nằm ngoài trách nhiệm với dân tộc, với đất nước.

 

Bài thơ được viết nên bởi cả tấm lòng của người quân tử. Chỉ với 4 câu thơ thôi nhưng ý tứ thật sâu sắc, chí nguyện giúp đời cứu nước thật lớn lao. Bài thơ đã thôi thúc trong lòng em ý thức sống trách nhiệm với bản thân, gia đình và đất nước mình, sẽ sống hết mình, cống hiến thật nhiều cho sự phát triển của Tổ quốc hôm nay và mai sau.

 

3. Phân tích bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão xuất sắc, đạt điểm cao

Phạm Ngũ Lão là một người tài giỏi, có lòng yêu nước nồng nàn, bản lĩnh phi thường, ông là một tướng tài đồng thời cũng là người có tâm hồn văn chương. Tác phẩm tiêu biểu nhất của ông là bài thơ Tỏ lòng. Văn bản thể hiện những tâm tư, nỗi niềm của vị tướng tài, đồng thời tái hiện chân thực hào khí Đông A sôi sục, hào hùng của thời đại.

 

Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu

Tam quân tì hổ khí thôn ngưu

 

Hai câu thơ đầu đã vẽ nên hình ảnh người tráng sĩ đời Trần với tư thế hiên ngang, dũng mãnh “cầm ngang ngọn giáo”, cho thấy tư thế hiên ngang, chủ động khác với câu thơ dịch là “múa giáo” mang tính chất phô trương, biểu diễn, không thể hiện được tư thế anh hùng, hiên ngang của người tướng sĩ. Đồng thời không gian nhân vật trữ tình đứng cũng vô cùng bao la, rộng lớn: giang sơn. Tưởng rằng đứng trong không gian ấy con người sẽ trở nên bé nhỏ, chìm khuất trong không gian vũ trụ bao la, nhưng ngược lại, con người hiện lên trong tư thế làm chủ, mang tầm vóc lớn lao ôm trọn cả non sông đất nước. Tư thế ấy còn cho thấy tinh thần sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng xả thân để bảo vệ biên cương, lãnh thổ toàn vẹn. Không chỉ vậy, thời gian được nhắc đến ở đây đã trải mấy thu, đó là khoảng thời gian dài, điều ấy còn khẳng định ý chí, quyết tâm bền bỉ của nhân vật trữ tình. Câu thơ thứ nhất vừa cho ta thấy tầm vóc hiên ngang, vừa cho thấy lòng yêu nước nồng nàn của nhân vật trữ tình.

 

Câu thơ thứ hai tái hiện lại sức mạnh của quân đội nhà Trần. Tác giả sử dụng các hình ảnh “tam quân” “tì hổ” “khí thôn ngưu” để làm rõ vẻ đẹp sức mạnh đó. Tam quân để nói về quân đội nhà Trần bao gồm tiền quân, trung quân và hậu quân. Còn tì hổ để nói về sức mạnh to lớn như hổ báo của quân đội, biện pháp so sánh đã một lần nữa khẳng định sự dũng mạnh, nhanh nhẹn của quân đội nhà Trần. “Khí thôn ngưu” có thể hiểu theo hai cách, cách thứ nhất tức là khí thế nuốt trôi trâu, nhưng cũng có thể hiểu khí thế át sao Ngưu.

 

Dù hiểu theo cách nào cũng đều thấy được khí thế, sức mạnh vô song của quân đội nhà Trần. Với hai câu thơ đầu, tác giả đã tái hiện sinh động, chân thực vẻ đẹp của con người thời đại nhà Trần với sức mạnh vô song. Qua đó ta còn cảm nhận được hào khí oanh liệt của thời đại mà dân tộc bừng bừng khí thế, quyết tâm đánh giặc cứu nước.

 

Phân tích bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão

Mẫu văn phân tích Tỏ lòng – Phạm Ngũ Lão ấn tượng

 

4. Lời kết

Trên đây là những bài văn mẫu phân tích bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão mà Studytienganh muốn chia sẻ cho bạn. Hy vọng sau những bài văn mẫu này, bạn có thể đúc kết được cho mình những ý hay, lối viết độc đáo và phát triển thành bài văn phân tích của riêng mình. 




HỌC TIẾNG ANH QUA 5000 PHIM SONG NGỮ


Khám phá ngay !