Dàn ý và top 5+ bài giải thích câu tục ngữ "Uống nước nhớ nguồn"

“Uống nước nhớ nguồn” là câu tục ngữ các giáo viên Ngữ Văn rất hay lựa chọn để làm đề thi. Hiểu được điều đó, ở bài viết dưới, Studytienganh sẽ giải thích câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn một cách cụ thể. Đồng thời qua đó, cung cấp đến bạn dàn ý viết bài chuẩn điểm 8 và một số bài văn mẫu hay cho đề bài này.

1. Dàn ý bài giải thích câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn chuẩn điểm 8

giải thích câu tục ngữ uống nước nhớ nguồn

Dàn ý bài giải thích câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn chuẩn điểm 8

 

Mở bài

Bạn có thể lựa chọn hai cách thức dẫn nạp vào đề là dẫn trực tiếp hoặc hay hơn là dẫn gián tiếp:

  • Dẫn trực tiếp: Luận bàn về lối sống nghĩa tình của người Việt Nam, từ đó dẫn dắt đến câu tục ngữ "Uống nước nhớ nguồn" của ông bà ta.

  •  
  • Dẫn gián tiếp: Thông qua một câu nói hay một câu chuyện về lòng biết ơn ( Truyện cổ tích Cây khế, câu chuyện Con hổ có nghĩa,...) để từ đó dẫn dắt đến câu tục ngữ "Uống nước nhớ nguồn".

 

Thân bài

Giải thích câu tục ngữ:

  • "Uống nước": Thừa hưởng, sử dụng thành quả, giá trị mà thế hệ đi trước đem đến.

  •  
  • "nguồn" ở đây được hiểu là nơi cung cấp nước, cũng là biểu tượng cho những người tạo ra thành quả, gây dựng những giá trị tốt đẹp để bây giờ chúng ta là người hưởng thụ nó.

  •  
  • "nhớ": thể hiện sự biết ơn, thái độ trân trọng đối với những người tạo ra thành quả.

 

→ Khép lại đoạn giải thích: Câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” nhắc nhở mỗi người chúng ta cần phải biết ơn với công lao của cha ông đã đi trước, những người đã hy sinh và mang đến cho chúng ta cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

 

Chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”:

  • Mọi thành quả trong hiện tại đều được tạo dựng bởi sức lao động, mồ hôi, nước mắt, xương máu của người đi trước.

  •  
  • Mỗi người nên có một thái độ biết ơn và trân quý những công lao của người đi trước. Đồng thời, chúng cần phải xuất phát từ một tấm lòng chân thành.

  •  
  • Khi biết trân quý những người đã tạo ra "trái ngọt", chúng ta sẽ trở thành một cá thể sống nghĩa tình, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

  •  
  • Nhớ ơn người giúp đỡ mình, người đi trước là một truyền thống tốt đẹp. Chúng giúp gắn kết giữa con người với con người, tạo nên một xã hội nhân văn, nhân ái và đoàn kết.

 

Bài học rút ra:

  • Biết tự hào trước lịch sử đấu tranh vẻ vang của dân tộc ta.

  •  
  • Biết ơn những hy sinh của thế hệ đi trước để từ đó chúng ta mới có một cuộc sống hạnh phúc, hòa bình như ngày nay.

 

Kết bài

Khẳng định tính đúng đắn của câu tục ngữ và sau đó rút ra bài học cho bản thân mình.

 

2. 5+ bài văn mẫu giải thích câu uống nước nhớ nguồn chất lượng, ăn trọn điểm 8

giải thích câu tục ngữ uống nước nhớ nguồn

Top 5+ bài văn mẫu giải thích câu uống nước nhớ nguồn chất lượng, ăn trọn điểm 8

 

Mẫu 1

Dân tộc Việt Nam ta có nhiều truyền thống tốt đẹp được gói ghém, gửi gắm qua những câu ca dao, tục ngữ. Một trong số đó là câu tục ngữ: “Uống nước nhớ nguồn” nhằm nhắc nhở mỗi người về lòng biết ơn trong cuộc sống.

 

Câu tục ngữ được hiểu theo hai nét nghĩa. Với nghĩa đen, “uống nước” là thưởng thức dòng nước mát còn “nguồn” chính là nơi khởi đầu của dòng nước. “Uống nước nhớ nguồn” được hiểu là khi thưởng thức dòng nước thanh mát mát thì hãy nhớ tới nơi khởi đầu đã tạo ra dòng nước đó. Về nghĩa bóng “uống nước” được hiểu là hưởng những thành quả mà người khác tạo ra và “nhớ nguồn” chính nhớ tới những người đã tạo ra thành quả, thành tựu đó.

 

Bất kỳ một thành quả nào chúng ta được hưởng ngày hôm nay đều được tạo ra từ công sức của cả xã hội. Bởi thế mà chúng ta cần phải biết trân trọng, ghi nhớ công lao của những người đã tạo ra thành quả. Dân tộc Việt Nam vốn trọng ơn nghĩa; để tưởng nhớ về các thế hệ đi trước đã ngã xuống ta có ngày Thương binh liệt sĩ, thăm hỏi và tặng quà các gia đình chính sách, tổ chức các buổi dâng hoa lên các nghĩa trang liệt sĩ để tưởng nhớ về những người có công với đất nước. Những thương binh, bệnh binh mất một phần hoặc toàn bộ sức lao động cũng được hưởng những chế độ ưu tiên đặc biệt, được Nhà nước chu cấp một phần về kinh tế, còn đối với gia đình liệt sĩ thì thân nhân của những liệt sĩ đó được hưởng chế độ này.

 

Ấy vậy, hiện nay có không ít người mang trong mình một lối sống vô ơn. Điều đó rất đáng lên án, và mỗi người nên phải tránh xa. Đối với thế hệ học sinh sinh viên - chủ nhân của đất nước hôm nay cần phải nằm lòng câu tục ngữ ấy. Chúng ta cần biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, cô thầy - những người đã không quản ngại hy sinh vì ta, dạy dỗ ta nên người.

 

Có thể khẳng định câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” là một sự nhắc nhở, lời khuyên quý giá dành cho mỗi người Việt Nam chúng ta. Tấm lòng biết ơn, nhớ về nguồn cội sẽ giúp chúng ta sống có nghĩa hơn.

 

Mẫu 2

Từ đời xưa, dân tộc Việt Nam luôn coi trọng ơn nghĩa; điều đó đã được thể hiện qua những câu tục ngữ, ca dao. Một trong số đó là câu: “Uống nước nhớ nguồn” - một lời khuyên quý giá cho dân tộc Việt Nam.

 

Nếu xét theo nghĩa đen, “uống nước” là thưởng thức dòng nước mát. Còn “nguồn” chính là nơi khởi đầu của dòng nước. “Uống nước nhớ nguồn” được hiểu là khi hưởng dòng nước mát thì hãy nhớ tới nơi khởi đầu đã cho ta dòng nước đó. Còn xét theo nghĩa bóng, “uống nước” được hiểu là hưởng những thành quả, thành tựu mà người khác tạo ra và “nhớ nguồn” chính nhớ tới những người đã tạo ra thành quả đó. Câu tục ngữ muốn khuyên nhủ con người có được tấm lòng biết ơn trong cuộc sống.

 

Ngược dòng thời gian trở về với quá khứ, dân tộc Việt Nam trải qua quá trình hình thành và phát triển. Để có được một bát cơm dẻo thơm mà chúng ta ăn hay một chiếc áo đẹp mà chúng ta mặc ngày hôm nay, thì những người nông dân đã phải đổ biết bao mồ hôi công sức. Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người sẽ phải nhận sự giúp đỡ từ người khác, có nghĩa là đang chịu ơn họ. Trong một năm, đất nước ta có rất nhiều những ngày lễ tri ân như ngày 27 tháng 7 - ngày Thương binh liệt sĩ, ngày 20 tháng 11 - ngày Nhà giáo Việt Nam là ngày tri ân thầy cô giáo những người đã dạy dỗ biết bao thế hệ học sinh trưởng thành…

 

Chúng ta cần phải học cách biết ơn bởi những thành quả mà chúng ta đang hưởng không tự nhiên mà có. Khi biết trân trọng công sức lao động của người khác thì bản thân mới có thể đạt được những thành công, được mọi người quý mến. Con người cần tránh xa thói vô ơn, bội bạc mà phải chịu sự khinh ghét, coi thường từ những người xung quanh.

 

Như vậy, câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” đã đem đến một lời khuyên quý giá cho mỗi người. Bài học về tấm lòng biết ơn vẫn còn ý nghĩa cho đến ngày hôm nay.

 

giải thích câu tục ngữ uống nước nhớ nguồn

Văn mẫu giải thích câu tục ngữ uống nước nhớ nguồn ngắn, hay, chất lượng

 

Mẫu 3

Kho tàng tục ngữ Việt Nam đã để lại nhiều bài học quý giá. Một trong số đó là câu tục ngữ: “Uống nước nhớ nguồn” nhằm nhắc nhở người Việt Nam về lòng biết ơn trong cuộc sống.

 

Câu tục ngữ là bài học lớn dạy cho ta biết cách làm người. Chỉ có bốn chữ ngắn gọn mà ý nghĩa sâu xa. "Uống nước" là điều kiện, "nhớ nguồn" là hệ quả. “Nguồn” là nơi phát nguyên những nguồn nước. Nước đầu nguồn thì trong mát ngọt lành. Nguồn nước thì có bao giờ vơi cạn? Nhờ nguồn mà sông suối, ao hồ, biển cả có nước quanh năm, sự sống được duy trì, cây cối đơm hoa kết trái. Uống nước là được hưởng thụ; nhờ có nguồn mà ta được uống nước. Chữ "nhớ" trong câu tục ngữ thể hiện hiện tấm lòng biết ơn, nhớ ơn. Câu tục ngữ nêu lên mối quan hệ lịch sử xã hội. Đó là hưởng thụ và nghĩa vụ. Câu tục ngữ nhắc nhở chúng ta bài học đạo đức. Đó là phải biết ơn, nhớ ơn những người có công với mình. Những con người mà đã cho ta hạnh phúc, yên vui. "Uống nước nhớ nguồn' đã nói lên mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người, một quan niệm nhân sinh đầy tình người, đúc kết một nét đẹp về đạo lý, nhắc nhở mỗi người sống có tình có nghĩa, trọn vẹn thủy chung.

 

Lòng nhớ ơn, biết ơn là một tình cảm rất đẹp. Câu tục ngữ giáo dục chúng ta lòng biết ơn đối với thế hệ đi trước. Đó là tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Đó là những người anh hùng vĩ đại đã đem mồ hôi xương máu xây dựng và bảo vệ đất nước. Bát cơm ta ăn, mái nhà ta ở, trang sách, ngọn đèn, ngôi trường soi sáng tâm hồn ta... đã thấm sâu công ơn hàng triệu người dân cày, người thợ, thầy giáo, cô giáo... Đất nước được độc lập thanh bình, lá quốc kỳ đỏ thắm tung bay trên bầu trời độc lập là do xương máu của biết bao anh hùng liệt sĩ. Những con người không tên đã giành lại được giang sơn gấm vóc cho dân tộc Việt Nam ta. Giang sơn gấm vóc hôm nay là do nguồn thiêng ông cha. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã từng ca ngợi:

 

“Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra đất nước”

 

Lòng biết ơn giúp ta gắn bó hơn với những người đi trước, sẽ trân trọng thành quả, công sức của tiền nhân, gần gũi với mọi người từ đó sẽ tạo ra một xã hội văn minh, đoàn kết. Bởi thế mà “Uống nước nhớ nguồn” được coi là nền tảng của một xã hội văn minh lành mạnh. Một con người khi sinh ra, lớn lên và trưởng thành luôn có những tấm lòng, những hành động mà phải nhớ ơn. Trước hết là cha mẹ. Cha mẹ là người không chỉ có công ơn sinh thành trời bể mà còn là những năm tháng nhọc nhằn nuôi nấng. Những đêm mưa lạnh mẹ ôm con ngủ, những ngày nắng gió cha đưa con tới trường. Biết bao sự nhọc nhằn mà cha mẹ đã phải trải qua để chúng ta lớn lên, thành người. Cha mẹ nuôi con bằng tình thương. Từng ngày từng ngày cha mẹ chẳng quản ngại khó khăn gian khổ mà nuôi nấng chúng ta. Đối với cha mẹ, con cái luôn là một niềm hy vọng và ước mơ. Bởi thế mà công ơn trời bể ấy, dù bạn có dành hết phần đời của mình cũng chưa chắc đã trả hết được. Rồi đến trường học, thầy cô chính là người có công ơn thứ hai. Thầy cô là người truyền tụng kiến thức, tri thức nhân loại cho chúng ta. Để chúng ta có thể phát triển toàn diện cả về mặt nhân cách lẫn trí tuệ, thì thầy cô chính là một phần ấy. Không phủ nhận những tấm gương tự học, nhưng đó chỉ là con số rất ít. Thầy cô luôn là bến đò của tri thức, là người có công ơn dạy dỗ chúng ta thành công hơn trong cuộc sống. Rồi tiếp nữa là cấp trên của ta tại nơi làm việc. Họ sẽ là những người cho ta những bài học thực tế, kinh nghiệm trong công việc. Và còn nhiều rất nhiều những người khác nữa. Nhưng gần gũi với chúng ta nhất chính là họ. Bởi công lao của họ đối với ta là to lớn vì thế mà ta không được rũ bỏ nó. Nếu rũ bỏ nó, phủ nhận nó, thì bạn sẽ không phải là một con người đúng nghĩa con người. Con người có bộ não nhưng cũng có trái tim. Đã có người từng nói, "Nếu sống mà rũ bỏ quá khứ là không có trái tim". Bạn là con người, và bạn có trái tim. Vì vậy, bạn hãy tự nhủ lòng mình phải nhớ ơn những người đã có công lao to lớn không gì thay thế được. Bởi đó là cách sống, đạo lý làm người ngẫu nhiên và tất nhiên mà một con người cần phải có.

 

"Uống nước nhớ nguồn" là đạo lý sống biết bao đời nay vẫn còn giữ nguyên giá trị. Nó vẫn sẽ đúng và mãi đúng cho đến ngàn đời sau. Bởi giá trị của nó không đơn thuần là một tác phẩm văn học mà còn là đạo lý làm người.

 

Mẫu 4

Những câu tục ngữ là lời khuyên quý giá cho mỗi người về một bài học nào đó. Cũng như câu: “Uống nước nhớ nguồn” nhắc nhở mỗi chúng ta về tấm lòng biết ơn trong cuộc sống.

 

Xét về nghĩa đen, “uống nước nhớ nguồn” được hiểu là khi hưởng dòng nước mát thì hãy nhớ tới nơi khởi đầu đã cho ta dòng nước đó. Nhưng ý nghĩa của câu tục ngữ không chỉ dừng lại ở đó mà giá trị đạo lí kết tinh ở nghĩa bóng. “Uống nước” ở đây nên được hiểu là hưởng những thành quả, thành tựu mà người khác tạo ra và “nhớ nguồn” chính nhớ tới những người đã tạo ra thành quả đó. Câu tục ngữ muốn khuyên nhủ con người về tấm lòng biết ơn.

 

Sự biết ơn luôn cần thiết trong cuộc sống. Không chỉ đối với con người, mà ngay cả loài vật cũng có được điều đó. Câu chuyện về con hổ có nghĩa là một ví dụ điển hình. Bà đỡ Trần là người huyện Đông Triều. Một đêm nọ bà nghe tiếng gõ cửa, mở cửa nhìn ra không thấy ai, bỗng nhiên có một con hổ lao tới cõng bà đi. Ban đầu bà rất hoảng sợ. Tới nơi, hổ đực cầm tay bà và nhìn hổ cái, nhỏ nước mắt. Bà nhìn kĩ hổ cái như có cái gì động đậy, biết ngay là hổ sắp sinh. Bà đỡ Trần liền giúp đỡ hổ cái đẻ con. Hổ đực tặng bà một cục bạc và tiễn bà về nhà. Nhờ có số bạc đo mà năm ấy mất mùa đói kém bà mới sống được.

 

Lại một câu chuyện nữa kể về người kiếm củi tên mỗ ở huyện Lạng Giang đang bổ củi ở sườn núi, thấy dưới thung lũng phía xa, cây cỏ lay động không ngớt mới vác búa đến xem. Thì ra một con hổ trắng đang bị mắc xương, bác liền giúp nó gỡ chiếc xương ra giúp hổ. Sáng sớm hôm sau, bác tiều thức dậy đi ra cửa thì thấy một con nai chết nằm ở đó. Hơn mười năm sáu bác tiều chết, khi chôn cất con hổ ngày nào bỗng xuất hiện trước mộ nhảy nhót. Mọi người thấy vậy chạy mất, từ xa họ nhìn thấy con hổ dụi đầu vào quan tài, gầm lên, chạy vài vòng quanh quan tài rồi đi. Con vật còn có lòng biết ơn, vậy còn với con người?

 

Dân tộc Việt Nam vốn giàu truyền thống tốt đẹp. “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” đã được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày. Các cuộc viếng thăm các thương binh, liệt sĩ - những người đã đóng góp một phần cuộc sống cho sự nghiệp giải phóng đất nước của dân tộc. Hay vào ngày 20 tháng 11 - ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh dành tặng cho thầy cô giáo những bó hoa tươi thắm. Hoặc đôi khi có thể chỉ là lời cảm ơn hết sức đơn giản của con cái đối với ông bà, cha mẹ… Dù là hành động nhỏ bé hay lớn lao, thì tất cả đều thể hiện được sự biết ơn của người thực hiện.

 

Khi học cách biết ơn, có nghĩa là bạn biết cách trân trọng những gì mình đang có. Chính vì vậy, cần phải tránh xa thái độ vô ơn, bội bạc. Đặc biệt là học sinh - những chủ nhân của đất nước phải luôn cố gắng học tập nâng cao kiến thức, rèn luyện đạo đức, bởi đó là hành động cụ thể nhất để thể hiện lòng biết ơn.

 

Qua đây, câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” quả là một lời khuyên ý nghĩa. Lòng biết ơn sẽ giúp chúng ta sống có ích hơn. Hãy phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

 

Mẫu 5

Dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay có nhiều truyền thống quý báu được gìn giữ và lưu truyền. Một trong những truyền thống đạo lí tốt đẹp nhất được thể hiện qua câu tục ngữ "Uống nước nhớ nguồn" đã nhắc nhở chúng ta phải biết ơn những người đã giúp đỡ ta. Đây là lời dạy mà mỗi người Việt Nam phải luôn ghi nhớ. Đến ngày nay, lời dạy của người xưa càng sâu sắc hơn.

 

"Uống nước" là thừa hưởng thành quả lao động của những người đi trước, thừa hưởng những gì mà họ đã bỏ công sức để tạo ra, để có được. "Nguồn" chính là nơi xuất phát, nơi khởi đầu của dòng nước, hiểu theo nghĩa bóng thì "nguồn" chính là những thế hệ trước, những con người mà đã tạo ra "dòng nước" hay nói cách khác là tạo ra thành quả mà chúng ta đã hưởng ngày hôm nay. Câu tục ngữ chính là lời răn dạy, nhắc nhở chúng ta, những lớp người đi sau, những thế hệ đang thừa hưởng thành quả phải luôn nhớ ơn công lao của thế hệ trước.

 

Trong vũ trụ, thiên nhiên và xã hội, mọi sự vật đều có nguồn gốc. Của cải, vật chất, tinh thần đó chính là công sức do con người làm ra. Như việc chúng ta thưởng thức một chén cơm, ta cảm thấy vị ngọt, nhưng thực ra thì chúng thật mặn, mặn vì những giọt mồ hôi, mặn vì những ngày dầm mưa dãi nắng. Họ đã phải sáng nắng chiều mưa làm việc ở ngoài đồng, nhổ mạ cấy lúa, gặt lúa, đập lúa… Bên cạnh đó, còn có sự hy sinh xương máu của các vị anh hùng dân tộc, các chiến sĩ yêu nước vì sắc áo của dân tộc để rồi xây dựng đất nước giàu đẹp phát triển đến ngày hôm nay. Lòng biết ơn phải xuất phát từ tình cảm, từ ý thức ghi nhớ công ơn của những người tạo ra thành quả phục vụ cuộc sống của chúng ta, đó chính là "nhớ nguồn", là đạo lý làm người tất yếu mà mỗi người cần có. Có câu:

 

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba

Dù ai buôn bán gần xa

Nhớ ngày giỗ tổ tháng ba thì về…”

 

Đó là lòng biết ơn của nhân dân nên hằng năm cả nước ta làm lễ “Giỗ tổ Hùng Vương” để ghi nhớ công lao của các vua Hùng đã dựng nước và giữ nước, hay hằng năm, để mừng sinh nhật Bác, cả nước đã cùng ôn lại chặng đường mà Bác đã đi qua, ca ngợi sự hy sinh của Bác để giành lại độc lập tự do cho nước nhà, đó cũng là một hình thức "nhớ nguồn" của chúng ta, thể hiện một tình cảm đẹp, một đạo lý đẹp của dân tộc ta.

 

Lòng biết ơn giúp ta gắn bó hơn với những người đi trước, sẽ trân trọng những thành quả và công sức của tiền nhân, gần gũi hơn với tập thể… và từ đó sẽ tạo nên một xã hội đoàn kết, thân ái hơn giữa mọi người. Điều đó cho ta thấy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" là một truyền thống vô cùng cao đẹp. Nếu con người không có lòng biết ơn thì sẽ trở nên rất ích kỉ, không hiểu biết, thờ ơ với mọi người xung quanh và có thể sẽ trở thành con người ăn bám xã hội.

 

3. Lời kết

Trên đây là những chia sẻ của Studytienganh về đề bài “Giải thích câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn”. Qua đó là dàn bài chi tiết cũng như 20+ bài văn mẫu giải thích câu tục ngữ này. Hãy 




 




HỌC TIẾNG ANH QUA 5000 PHIM SONG NGỮ


Khám phá ngay !